Tiếng lóng trên sàn
Bây giờ, ở sàn chứng khoán, giới đầu tư thường sử dụng những tiếng lóng vừa gọn vừa “độc” để trao đổi thông tin hoặc gọi tên mã cổ phiếu mà dân “ngoại đạo” nghe có thể không hiểu.
Khi mới có một vài cổ phiếu trên thị trường thì đã xuất hiện một vài từ lóng để ám chỉ các mã cổ phiếu đó. Thí dụ như cổ phiếu “đầu tàu” dùng để chỉ cổ phiếu REE, GMD, SAM vì các cổ phiếu này lúc đó đã kéo chỉ số VN Index “đi” chậm hay nhanh do tỷ lệ cổ phiếu niêm yết trên sàn khá lớn. Đến khi có thêm cổ phiếu VNM của sữa Vinamilk thì được phong là “người khổng lồ” vì lúc đó Vinamilk có vốn điều lệ đến 1.250 tỷ đồng, số vốn lớn nhất trên sàn niêm yết chứng khoán lúc bấy giờ. Thế nhưng, khi cổ phiếu STB của Ngân hàng Sacombank lên sàn thì danh hiệu “người khổng lồ” bỗng biến mất vì Sacombank có vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, vượt xa VNM. Nhưng giới đầu tư không chuyển danh hiệu này cho STB theo hình thức “luân lưu” mà để tự nó “chết”. Cùng thời điểm đó, danh hiệu “con cá kình” để chỉ GMD vì Công ty Gemadept đơn vị kinh doanh vận tải biển có lượng niêm yết khá lớn. Trên báo chí lúc đó còn có những từ lóng như cổ phiếu “sữa” để chỉ VNM, cổ phiếu “bánh” để chỉ BBC của Bibica, cổ phiếu “cá” để chỉ AGF của thủy sản An Giang...
Trong vòng một năm nay, giới đầu tư lại thường dùng các chữ đầu của mã chứng khoán để chỉ một cổ phiếu. Thí dụ như “Gái mãi dâm” để chỉ cổ phiếu GMD, “Gà ta” để chỉ GTA của Công ty Gỗ Thuận An… Đây chỉ là cách gọi thuận miệng chứ không biểu hiện cá tính của mã cổ phiếu.
Còn những biệt danh nói lên được tình trạng “sức khỏe” của cổ phiếu như “gà thiếu ăn” để chỉ GTA lúc cổ phiếu này bị giảm giá thời gian dài; “Sờ thấy sướng” chỉ STB lúc cổ phiếu này tăng giá liên tục hồi tháng 5 từ 90.000đ/CP lên 144.000đ/CP, nhưng sau khi chia tách cổ phiếu, STB từ 75.000đ/CP giảm liên tục và thị giá cứ lơ lửng mãi ở mức từ 54.000đ/CP đến 55.000đ/CP thì lại có biệt danh khác là “Sợ thấy bà”, rồi hồi cuối tháng 8 lại bị gán là “Sao thái bạch”. Gần đây, khi STB tăng giá lên hàng 7 chấm thì có thêm biệt danh “Sau tết bán”. Đây là những “hiệu lệnh”, tên gọi mà nhà đầu tư thường hò hét, khuyến khích nhau mua để chờ cuối năm lên giá và sẽ bán ra sau Tết.
Động từ lóng trong chứng khoán ở sàn cũng có không ít. Dự tính mua cổ phiếu thì nhà đầu tư bảo nhau là chuẩn bị “ôm hàng” hay “hốt hàng” hoặc họ nhắc nhau “lùa vô đi”. Chỉ số VN Index đang xuống thì gọi là “đổ máu” vì trên bảng điện tử các cổ phiếu toàn màu đỏ.
Lúc đó, các nhà đầu tư bấm tay nhau hô: “Chuẩn bị đua” tức bán gấp cổ phiếu, thoát khỏi thị trường, tránh thiệt hại. Việc “chạy đua” của các “khoai lang” (ám chỉ nhà đầu tư trong nước) trên sàn cũng tùy thuộc vào hành động của các ông “khoai tây” (ám chỉ nhà đầu tư nước ngoài) có bán ra nhiều cổ phiếu hay không, hoặc nhà đầu tư quan sát các cổ đông nội bộ có “đạp ra” (bán ra cổ phiếu với số lượng lớn) mạnh hay yếu. Rồi cổ phiếu thủy sản như AGF, ABT bị giảm giá thì bảo là “ươn rồi”. Còn cổ phiếu ngành địa ốc bị giảm giá thì cho là cổ phiếu đang bị “giải tỏa”… Nói chung, cũng như trong cuộc sống, tiếng lóng trên sàn chứng khoán, một lần nữa, thể hiện sự phong phú – đa dạng của ngôn ngữ Việt.
Theo LƯƠNG MINH - Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG- 22/10/2007